Hướng dẫn cách nhận biết chỉ số SpO2 bình thường và bất thường

Khi bạn hoặc những người thân yêu mắc bệnh, sự lo lắng và bối rối vì không rõ nên làm gì, chăm sóc như thế nào là tốt nhất là điều dễ hiểu. Đặc biệt đối với những người bệnh nặng, luôn cần theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn. Beurer sẽ hướng dẫn cho bạn cách xác định chỉ số SpO2 bình thường và bất thường qua bài viết sau đây.

1. Thông tin về chỉ số SpO2

Khi không khí được đưa vào cơ thể, hệ thống hô hấp sẽ giữ lại khí Oxygen bằng cơ chế lọc tại phổi. Đồng thời các hemoglobin trong máu vận chuyển chúng đến mọi tế bào trong cơ thể, nhằm duy trì các chức năng sinh lý và cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể.

SpO2 có tên gọi cụ thể là Saturation of peripheral Oxygen, là chỉ số thể hiện mức độ bão hòa Oxygen trong máu có thể đo được ở tế bào ngoại vi. Đặc biệt là những bệnh nhân đang có chuyển biến xấu, có nguy cơ suy hô hấp và suy tuần hoàn cao sẽ luôn cần được theo dõi liên tục chỉ số này, song song với các dấu hiệu sinh tồn khác như mạch, nhịp tim, nhịp thở,…

Chỉ số SpO2 bình thường

Khi cơ thể ở trong trạng thái bình thường, các chức năng sinh lý hoạt động ổn định, không có các dị vật hoặc tác nhân làm cản trở quá trình hô hấp, chỉ số SpO2 sẽ dao động ở mức 95 – 100%.

Tuy nhiên, tùy vào tình trạng bệnh mà mức giới hạn sẽ có sự dao động khác nhau. Để hiểu rõ điều này, bạn cần tham vấn kỹ với bác sĩ về tình hình sức khỏe hiện tại của bệnh nhân nói chung và các dấu hiệu sinh tồn nói riêng, đảm bảo hiệu quả chăm sóc cách tốt nhất.

hướng dẫn cách nhận biết chỉ số spo2 bình thường và bất thường 5

Chỉ số SpO2 bình thường sẽ dao động ở mức 95 – 100%

Chỉ số SpO2 bất thường

Nếu cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy thiết yếu và không được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, cơ thể sẽ rơi dần vào trạng thái đình trệ, suy kiệt cuối cùng là tử vong. Với những bệnh nhân vẫn còn khả năng chăm sóc, họ có thể chủ động gọi hoặc ra hiệu cho người thân hoặc nhân viên y tế giúp đỡ. Còn trong tình huống là bệnh nhân hôn mê sẽ có nguy cơ rất cao dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Chỉ số SpO2 được gọi là thấp hay thiếu lượng Oxygen trong máu là dưới 95%. Và có các mức cụ thể về tình trạng theo chỉ số đo như sau :

  • Chỉ số SpO2 dao động từ 94 đến 96%: lượng oxy trong máu đang ở mức trung bình nhưng chưa đáng báo động, cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn thở oxi và vẫn có thể chăm sóc tại nhà.
  • Chỉ số SpO2 dao động từ 90 đến 93%: chỉ số báo động tình trạng nguy hiểm, cần được hỗ trợ ngay.
  • Dưới 90%: tình trạng khẩn cấp, cần được áp dụng các biện pháp cấp cứu ngay.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý chỉ số nhịp tim của bệnh nhân (thông thường các máy đo SpO2 đều có hiển thị kết quả nhịp tim kèm theo):

  • Mạch nhanh: kết quả từ 100 lần/phút trở lên.
  • Mạch chậm: dưới 60 lần/phút.

2. Kết quả chỉ số SpO2 đo được có bị tác động làm sai lệch không?

Mặc dù chỉ số SpO2 có thể dễ dàng kiểm tra một cách đơn giản với máy Pulse Oximeter rất thông dụng trên thị trường. Tuy nhiên, bạn đọc cũng nên lưu ý một số yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả đo như sau:

Người bệnh có sơn móng tay/chân

Lớp sơn có thể ảnh hưởng đến sự chính xác của tín hiệu từ máy và cho ra kết quả sai lệch. Vì vậy, bạn cần chắc chắn đã tẩy sạch lớp sơn trên móng trước khi đo cho bệnh nhân.

Nhiễu do cử động

Để xác định chính xác chỉ số SpO2 bình thường hay bất thường, bệnh nhân cần cố gắng giữ yên vị trí đo để máy không bị nhiễu do cử động nhiều. Đồng thời, nên cho người bệnh nghỉ ngơi khoảng 5 – 10 phút với tư thế thoải mái, mạch và nhịp thở trở lại trạng thái ổn định sẽ cho ra kết quả chính xác hơn.

Chất lượng thiết bị

Thiết bị đo phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đã được Bộ y tế cấp phép lưu hành nhằm đảm bảo sự chính xác cho thiết bị. Không nên sử dụng thiết bị trôi nổi ngoài thị trường vì khả năng xảy ra tình trạng sai lệch là rất cao.

Thời tiết lạnh

Các mạch máu ngoại biên tại tay hoặc chân thường bị co lại hơn trong môi trường nhiệt độ thấp, có thể khiến việc kết quả kiểm tra bị sai lệch. Vì vậy, người bệnh cần được chú ý ủ ẩm trước khi đo.

Một số yếu tố khác

  • Hiện đang sử dụng thuốc vận mạch.
  • Huyết áp thấp.
  • Môi trường ánh sáng quá mạnh.

3. Một số dấu hiệu nhận biết độ bão hòa oxy bất thường không cần sử dụng máy

Nếu bạn không có sẵn máy đo SpO2, bạn cần nắm rõ cách nhận biết một số dấu hiệu và triệu chứng đi kèm với tình trạng giảm độ bão hòa oxy trong máu như sau:

  • Nhịp thở không đều, có biểu hiện khó thở.
  • Âm thở bất thường: tiếng thở rít, khò khè,…
  • Sử dụng cơ hô hấp phụ để thở: co kéo hõm ức, khoảng gian sườn.
  • Da xanh tím ở môi, ngón tay, ngón chân,…
  • Rối loạn tri giác: vật vã, kích động, hôn mê,…

hướng dẫn cách nhận biết chỉ số spo2 bình thường và bất thường 7

Ngoài việc đo chỉ số SpO2 bằng máy, bạn cũng cần ghi nhớ những dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm trên người bệnh

4. Theo dõi SpO2 quan trọng như thế nào đối với bệnh nhân mắc COVID-19?

Như đã nói trên, việc đánh giá kết quả chỉ số SpO2 có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc bệnh có nguy cơ chuyển biến nghiêm trọng như COVID-19. Cần thường xuyên theo dõi bệnh nhân để nhằm phát hiện các tiến triển bất thường trên cơ thể, đồng thời giúp bác sĩ phân loại bệnh nhân và áp dụng biện pháp điều trị, hỗ trợ phù hợp, ngăn chặn kịp thời các biến chứng nguy hiểm và nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Với các bệnh nhân mắc bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng hô hấp nói chung, việc theo dõi và xác định chỉ số SpO2 bình thường và bất thường có vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc nâng cao kiến thức sẽ giúp chăm sóc người bệnh cách tốt hơn, đồng thời vượt qua được các giai đoạn chuyển biến nghiêm trọng của bệnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *