Ở nhà huyết áp bình thường, đi tiêm vắc-xin bỗng tăng vù vù, hóa ra vì một hội chứng lạ

Ở nhà huyết áp bình thường, đi tiêm vắc-xin bỗng tăng vù vù, hóa ra vì một hội chứng lạ

Rất nhiều người ở nhà sức khỏe, huyết áp bình thường nhưng khi chuẩn bị tiêm chủng huyết áp lại tăng bất thường, nguyên nhân là do gặp phải một hội chứng.

Vì sao phải bắt buộc đo huyết áp trước khi tiêm?

Để sớm tạo miễn dịch cộng đồng Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất từ trước đến nay. Theo thống kê, tại Hà Nội hiện có hơn 1,68 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm cho người dân, trong đó có 92.007 người đã tiêm đủ 2 mũi.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, khi đi tiêm vắc xin COVID-19, người dân bắt buộc phải thực hiện việc khám sàng lọc trước tiêm, trong đó có việc đo huyết áp. Việc đo huyết áp là nhằm để đảm bảo an toàn nhất trước khi được tiêm chủng. Trước khi tiêm, huyết áp của người được tiêm nên ở mức giới hạn bình thường (90-140mmHg với huyết áp tâm thu và 60-90mmHg với huyết áp tâm trương).

Khi huyết áp quá cao (kể cả tiêm hay không tiêm vắc xin) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến cố tim mạch/ đột quỵ. Ngoài ra, huyết áp cao gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá một số phản ứng sau tiêm, đặc biệt là các trường hợp phản vệ sau tiêm vắc xin.

ở nhà huyết áp bình thường, đi tiêm vắc-xin bỗng tăng vù vù, hóa ra vì một hội chứng lạ 5
Việc kiểm tra huyết áp trước khi tiêm vắc xin COVID-19 là rất cần thiết.

Theo quy định hiện hành, không chống chỉ định với những người cao huyết áp, tuy nhiên với trường hợp này dù đã tối ưu điều trị nhưng huyết áp vẫn cao thì cần được tiêm ở các cơ sở y tế có khả năng theo dõi, xử trí hồi sức tốt.

Ở nhà huyết áp bình thường, khi đi tiêm COVID lại tăng vù vù

Ghi nhận từ CDC Hà Nội cho thấy, rất nhiều người trước khi đi tiêm đo huyết áp bình thường nhưng khi tới điểm tiêm, được bác sĩ thăm khám, huyết áp lại “tăng vù vù”.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, hội chứng này gọi là “tăng huyết áp áo choàng trắng”. Đây là tình trạng huyết áp đột ngột tăng cao khi gặp bác sĩ, những người mặc áo blouse trắng. Tình trạng này sẽ hết khi… bệnh nhân về nhà. Hội chứng này có thể gặp ở nhiều người, đa dạng độ tuổi. Hội chứng này được biết đến như là một tình trạng tăng huyết áp giả tạo do bệnh nhân cảm thấy quá lo lắng và căng thẳng.

“Hội chứng này chủ yếu xuất phát từ tâm lý bệnh nhân. Khi thấy bác sĩ hoặc những người mặc áo blouse trắng, bệnh nhân hồi hộp, lo sợ khiến tim đập nhanh hơn, tăng áp lực lên thành mạch, gây tăng huyết áp tức thời”, CDC Hà Nội giải thích.

ở nhà huyết áp bình thường, đi tiêm vắc-xin bỗng tăng vù vù, hóa ra vì một hội chứng lạ 7

Người có huyết áp tăng khi đi tiêm vắc xin COVID-19 là do gặp phải Hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng.

Cách hạn chế hội chứng “tăng huyết áp áo choàng trắng”

Để hạn chế hội chứng “tăng huyết áp áo choàng trắng”, CDC Hà Nội đưa ra 6 lưu ý:

– Làm chủ tâm lý để không bị sợ hãi khi gặp bác sĩ là điều quan trọng đối với những người mắc hội chứng này;

– Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh sử dụng chất kích thích, giảm muối trong chế độ ăn;

– Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, điều độ để tăng cường sức khỏe tim mạch…;

– Áp dụng phương pháp thư giãn như yoga để kiểm soát tâm lý, nhịp thở, giúp giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống, công việc;

– Đi khám cùng người thân hay bạn bè, để tạo cảm giác đồng hành, tránh sợ hãi khi đi một mình gặp bác sĩ;

– Kiểm soát cân nặng, lượng tinh bột dung nạp vào cơ thể. Giảm cân sẽ giúp huyết áp ổn định hơn, cơ thể thoải mái hơn vì không quá trọng tải.

“Hội chứng “tăng huyết áp áo choàng trắng” do tâm lý, vì thế có thể luyện tập để thay đổi được. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu tiền thân của bệnh lý huyết áp. Vì vậy, người bệnh cần chú ý hơn về chế độ dinh dưỡng, tập luyện để tăng cường sức khỏe tim mạch”, CDC Hà Nội đưa ra khuyến cáo.