Bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ như thế nào?
Tâm bão hiện nay không là gì khác ngoài virus corona Vũ Hán mà Tổ chức Y tế Thế giới gọi là Covid-19. Tính đến thời điểm này, đã có hàng chục ngàn người nhiễm bệnh ở nhiều nơi trên thế giới, hơn nữa số ca tử vong lại ngày một tăng vọt. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo lắng không biết rằng loại virus mới này có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe trẻ nhỏ? Cùng Beurer tìm hiểu ngay sau đây!
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận một số trường hợp trẻ bị nhiễm Covid-19 (hay còn gọi là virus Corona Vũ Hán), bao gồm: 1 bé gái 9 tháng tuổi ở Bắc Kinh (Trung Quốc), 1 bé khác ở Thâm Quyến (Trung Quốc) và 1 trường hợp bé sơ sinh khác dương tính với virus mới vào ngày 05-02 (có mẹ là bệnh nhân của bệnh viêm phổi lạ), 1 em bé ở Đức và Việt Nam ghi nhận ca nhiễm mới là bé gái 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc.
Suy cho cùng, trẻ em vẫn là đối tượng hoàn toàn có thể bị nhiễm virus và việc nắm rõ những thông tin cần thiết về dịch bệnh sẽ giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn đúng đắn hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của con cái.
Vài nét về virus Corona Vũ Hán hay Covid-19
Vào thời điểm cuối năm 2019, một loại virus mới bùng phát và gây ra các ca bệnh viêm phổi lạ ở Trung Quốc. Người ta đã xác định rằng virus trên thuộc chủng coronavirus mới, từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ký hiệu là 2019-nCoV hay nCoV và mới đây đã đặt tên gọi chính thức cho chủng virus này là Covid-19.
Virus này được cho là có nguồn gốc từ một khu chợ hải sản Huanan nằm ở quận Giang Hán, Vũ Hán, Trung Quốc. Do vậy, nó còn được biết với cái tên khác là virus corona Vũ Hán.
Động vật được bán làm thực phẩm tại đây bị nghi ngờ là vật trung gian chứa virus do bệnh nhân đầu tiên được xác định là người tại khu chợ này.
Xét về trình tự gien, virus corona Vũ Hán giống với loại trong dơi và không giống với chủng gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) và ở Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Liệu trẻ nhỏ có dễ bị lây nhiễm chủng corona mới hay không?
Theo China Daily, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã xác định trẻ dễ bị lây nhiễm chủng virus corona mới. Tuy nhiên, không có trường hợp nghiêm trọng hoặc gây tử vong ở trẻ.
Đường lây truyền chủ yếu vẫn là qua đường hô hấp thông qua dịch tiết xuất phát từ việc người mang mầm bệnh ho hoặc hắt hơi. Trẻ vô tình có thể hít phải những giọt dịch tiết này hoặc chạm tay vào những bề mặt có dính dịch hô hấp chứa virus rồi cho tay lên mắt, mũi, miệng. Do đó, bạn có thể bảo vệ trẻ trước coronavirus bằng cách cho trẻ đeo khẩu trang và rửa tay đúng cách.
Dấu hiệu và triệu chứng có thể nhận biết khi nhiễm dịch Covid-19
Trẻ bị nhiễm Covid-19 có thể sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này dường như khá giống với người bị cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường. Virus có thể gây ra tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn ở một số trường hợp, đặc biệt là ở những người đang mắc bệnh hoặc sức đề kháng bị suy yếu.
Bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 có thực sự gây nguy hiểm với trẻ hay không?
Hiện nay, các chuyên gia y khoa vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu về ảnh hưởng của virus với trẻ em.
Khi liên kết số liệu và so sánh với dịch SARS hay dịch MERS trước đây thì hiện tượng trẻ em bị tác động bởi virus là tương đối ít. Do vậy mà các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích chính xác mối liên quan về độ tuổi với mức độ trầm trọng của bệnh.
Trong khi đó, một số chuyên gia lại đưa ra những lý giải khác nhau về vấn đề này. Tiến sĩ Sharon Nachman từ Bệnh viện Nhi Stony Brook (New York, Hoa Kỳ) cho rằng, môi trường mà trẻ thường xuyên tiếp xúc, trong đó có trường học, nhiều nguy cơ cũng ẩn chứa chủng virus này. Vì vậy mà trẻ có miễn dịch cao hơn so với người trưởng thành.
Ngược lại, Raina Maclntyre, chuyên gia dịch tễ học của Đại học New South Wales, Australia, cho rằng việc nhiễm virus gây nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên người lớn vì các đối tượng này thường có sẵn các bệnh mạn tính khác nhau (đái tháo đường, bệnh tim mạch…). Những tình trạng này làm suy yếu khả năng chống lại virus của cơ thể. Hơn nữa, hệ miễn dịch ở người thường suy giảm theo thời gian. Đó là lý do vì sao khi bị nhiễm virus, người già dễ mắc bệnh và bệnh diễn tiến nặng hơn cả.
Tuy nhiên, những lập luận trên chỉ mang tính lý thuyết vào thời điểm hiện tại và chúng ta cần chờ đợi những thông báo chính thức từ cơ quan y tế có thẩm quyền.
Hướng điều trị khi nhiễm bệnh Covid-19
Hầu hết những người nhiễm Covid-19 (hay còn gọi bằng tên cũ là virus corona Vũ Hán), bao gồm cả trẻ em, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh cần được nghỉ ngơi và truyền dịch. Riêng với những người mắc bệnh nặng thì cần được theo dõi tại bệnh viện với sự hỗ trợ từ các phương pháp điều trị thích hợp khác.
Cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra ngay khi:
- Trẻ có dấu hiệu mắc bệnh và trước đó đã từng du lịch đến Trung Quốc.
- Có tiếp xúc với ai đó nghi ngờ bị nhiễm virus corona chủng mới trong vòng 14 ngày qua.
Ngoài bệnh viêm phổi cấp do Covid-19, với trẻ nhỏ thì bệnh sởi và cúm mùa cũng là những vấn đề sức khỏe đáng quan tâm. Vì vậy, cần chắc chắn đảm bảo bé đã được tiêm vắc-xin phòng những căn bệnh này.
Mách mẹ cách bảo vệ cho bé trong mùa dịch Covid-19
Trong khi chờ đợi vắc-xin hoặc thuốc điều trị đặc hiệu, cách tốt nhất để phòng dịch cho trẻ chính là:
- Tránh để con tiếp xúc với người mắc bệnh cảm, cúm hoặc có các triệu chứng của các bệnh đường hô hấp nói chung.
- Rửa tay đúng cách và thường xuyên với xà phòng hoặc nước rửa tay sạch khuẩn và nước. Nên rửa tay trong thời gian tối thiểu là 20 giây và đặc biệt dạy trẻ rửa tay đúng cách. Trong trường hợp bất khả kháng không có xà phòng, bạn có thể cho trẻ vệ sinh tay bằng các sản phẩm khử trùng với lượng cồn tối thiểu là 60%.
- Dạy con không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay.
- Mẹ nên vệ sinh những bề mặt hoặc đồ vật mà mọi người trong gia đình có xu hướng chạm vào nhiều nhất.
- Các thực phẩm chế biến cho trẻ cần đảm bảo được nấu chín kỹ. Người lớn tuyệt đối không nên mớm cho bé ăn. Bên cạnh đó, cũng không nên thổi bằng miệng để làm mát thức ăn cho con.
Nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ và có nghi ngờ hoặc xác định bản thân nhiễm chủng virus mới, bạn cần dừng việc cho con bú và cách ly mẹ khỏi bé.
Bạn cần lưu ý rằng, thuốc kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp nhiễm virus, kể cả cúm thông thường. Vì vậy, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc cho con mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi phát hiện trẻ có một trong những biểu hiện cảnh báo kể trên nhé! Ngoài ra, để bảo vệ con yêu khỏi dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay, bạn nên dạy con rửa tay đúng cách đúng thời điểm nhằm loại bỏ mầm bệnh đang ẩn nấp trên da tay.
Để đảm bảo loại bỏ sạch hết các vi khuẩn bám trên tay, bạn cần trang bị cho cả gia đình các sản phẩm nước rửa tay, xà phòng sạch khuẩn có thành phần diệt khuẩn siêu tốc như ion bạc để hạn chế nguy cơ vi khuẩn, vi rút còn bám lại trên tay do thói quen rửa tay vội vàng, qua loa ở cả trẻ nhỏ lẫn người lớn.