Nguyên nhân nào gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ?
Đái tháo đường thai kỳ (hay còn được gọi là tiểu đường thai kỳ) là tình trạng lượng đường trong máu của bạn tăng cao khi mang thai. Theo nhiều nghiên cứu, cứ 100 phụ nữ mang thai thì có khoảng từ 3 – 5 người mắc bệnh này. Bạn có nguy cơ mắc bệnh này; ngay cả khi bạn không bị tiểu đường trước khi mang thai. Kiểm soát tốt lượng đường trong máu rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn và thai nhi. Bước đầu để kiểm soát tiểu đường thai kỳ đó chính là hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh.
1. Mang thai và lượng đường trong máu
Khi bạn ăn, cơ thể sẽ phân hủy carbohydrate từ thực phẩm thành một loại đường gọi là glucose. Đường đi vào máu của bạn rồi di chuyển đến các tế bào của bạn để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuyến tụy tạo ra một loại hormone, được gọi là insulin. Insulin có chức năng di chuyển đường vào tế bào và làm giảm lượng đường trong máu của bạn.
Trong thời kỳ mang thai; nhau thai – cơ quan nuôi sống và cung cấp oxy cho em bé của bạn sẽ tiết ra các hormone giúp thai nhi phát triển. Một số trong số hormone này khiến cơ thể bạn khó sản xuất hoặc sử dụng insulin. Tình trạng này được gọi là kháng insulin.
Để giữ lượng đường trong máu ổn định; tuyến tụy của bạn phải tạo ra nhiều insulin hơn – gấp ba lần bình thường. Nếu nó không thể tạo ra đủ insulin, lượng đường trong máu của bạn sẽ tăng lên và bạn sẽ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
2. Những yếu tố khiến bạn có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ
Bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hơn nếu :
– Thừa cân trước khi mang thai. Tăng cân khiến cơ thể bạn khó điều tiết insulin hơn.
– Tăng cân rất nhanh khi mang thai
– Gia đình có cha mẹ, anh/chị/em mắc Tiểu đường type 2
– Lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường, nhưng chưa đủ cao để trở thành bệnh tiểu đường. Tình trạng này được gọi là tiền đái tháo đường.
– Bạn đã từng bị tiểu đường thai kỳ trong một lần mang thai trước đây
– Trên 25 tuổi
– Đã sinh con nặng hơn 4 kg
– Từng có thai chết lưu; hoặc từng sinh ra trẻ bị một số dị tật bẩm sinh
– Mắc Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
3. Cần làm gì khi mắc tiểu đường thai kỳ?
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện vào khoảng tháng thứ 3. Tuy nhiên, nếu bạn có một số yếu tố gây nguy cơ; bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra đường huyết sớm (vào khoảng cuối tam cá nguyệt đầu tiên). Bạn sẽ được kiểm tra một lần nữa trong khoảng thời gian từ 24-28 tuần của thai kỳ. Nếu kết quả âm tính, bạn sẽ không cần phải xét nghiệm lại.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ cũng rất đơn giản. Bạn sẽ được chỉ định uống hết một lượng glucose. Sau 1 khoảng thời gian; bác sĩ sẽ lấy máu để xét nghiệm sự chuyển hóa đường của cơ thể. Sau đó, làm thêm xét nghiệm dung nạp Glucose để có kết quả chính xác nhất.
Hãy lắng nghe ý kiến của bác sĩ để giảm lượng đường trong máu khi mang thai. Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm; bạn sẽ phải thay đổi chế độ ăn uống hoặc thuốc. Khi bạn kiểm soát được lượng đường trong máu; con bạn sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc gặp các vấn đề sức khỏe khác.
Hãy thường xuyên theo dõi đường huyết của mình để kiểm soát dễ dàng hơn lượng đường trong máu, đồng thời phòng tránh được những nguy cơ do đái tháo đường thai kỳ gây ra cho thai nhi.