Huyết áp cao và nguy cơ về bệnh tim mạch
Những biến chứng về tim mạch là nguyên nhân gây tử vong số 1 liên quan đến bệnh huyết áp cao. Những biến chứng này là một nhóm các rối loạn bao gồm các bệnh về tim như: suy tim; tim thiếu máu cục bộ và phì đại tâm thất trái (cơ tim dày lên quá mức).
1. Suy tim là gì?
Suy tim không có nghĩa là trái tim của bạn ngừng hoạt động. Suy tim thường là diễn biến sau cùng của hầu hết các bệnh tim mạch. Đó là tình trạng sức bơm của tim yếu hơn bình thường; hoặc tim trở nên kém đàn hồi hơn. Khi bị suy tim, máu di chuyển qua các buồng bơm của tim kém hiệu quả, áp lực trong tim tăng lên; khiến tim khó cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Để bù đắp cho việc giảm sức bơm, các buồng tim phản ứng bằng cách căng ra để chứa nhiều máu hơn. Việc này giúp máu lưu thông; nhưng qua thời gian, các thành cơ tim có thể yếu đi và không thể bơm mạnh. Khi ấy, thận thường phản ứng bằng cách giữ chất lỏng (nước) và natri trong cơ thể. Vì thế, những chất lỏng này sẽ tích tụ ở tay, chân, mắt cá chân, bàn chân, phổi hoặc các cơ quan khác. Tình trạng này được gọi là suy tim sung huyết.
Huyết áp cao cũng có thể dẫn đến suy tim do phì đại tâm thất trái. Khi cơ tim dày lên, việc thư giãn các cơ giữa các nhịp đập của tim trở nên kém hiệu quả. Điều này khiến tim khó nạp đủ lượng máu để cung cấp cho các cơ quan của cơ thể; khiến cơ thể bạn phải giữ chất lỏng và nhịp tim tăng nhanh.
Các triệu chứng của suy tim bao gồm:
– Hụt hơi
– Sưng phù bàn chân, mắt cá chân hoặc bụng
– Khó ngủ trên giường
– Chướng bụng, đầy hơi
– Mạch đập không đều
– Buồn nôn
– Mệt mỏi
– Đi tiểu đêm lần
2. Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì?
Huyết áp cao cũng có thể gây ra bệnh thiếu máu cục bộ (thiếu máu cơ tim). Thiếu máu cơ tim thường là kết quả của xơ vữa động mạch hoặc xơ cứng động mạch (bệnh động mạch vành). Chúng cản trở lưu lượng máu đến tim; cơ tim không nhận đủ lượng máu cần thiết, gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ.
Các triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim có thể bao gồm:
– Đau thắt ngực, có thể lan tỏa đến cánh tay, lưng, cổ hoặc hàm,…
– Đau ngực kèm theo buồn nôn; đổ mồ hôi; khó thở và chóng mặt; những triệu chứng liên quan này cũng có thể xảy ra mà không đau ngực
– Mạch đập không đều
– Mệt mỏi và suy nhược
Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh thiếu máu cơ tim, bạn cần được kiểm tra y tế ngay lập tức.
3. Chẩn đoán bệnh tim mạch do cao huyết áp như thế nào?
Thông thường, các bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu nhất định của bệnh tim do tăng huyết áp, bao gồm:
– Huyết áp cao
– Tim to và nhịp tim không đều
– Dịch trong phổi hoặc chi dưới
– Nhịp tim đập bất thường
Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để xác định xem bạn có bị bệnh tim do tăng huyết áp hay không, bao gồm: điện tâm đồ; siêu âm tim; xét nghiệm căng thẳng tim; chụp X-quang phổi và chụp mạch vành.
4. Điều trị bệnh tim mạch do cao huyết áp như thế nào?
Để điều trị bệnh tim mạch do cao huyết áp gây ra; bạn cần điều trị nguyên nhân gây ra bệnh – huyết áp cao.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên giúp bạn thay đổi thói quen sống, bao gồm:
– Chế độ ăn uống: Nếu bị suy tim, bạn nên giảm lượng natri tiêu thụ hàng ngày xuống 1.500 mg hoặc 2 g hoặc ít hơn mỗi ngày, ăn thực phẩm giàu chất xơ và kali. Hạn chế tổng lượng calo hàng ngày để giảm cân nếu cần thiết và hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa đường tinh luyện, chất béo chuyển hóa và cholesterol.
– Theo dõi cân nặng của bạn: Điều này bao gồm việc ghi lại cân nặng hàng ngày, tăng mức độ hoạt động của bạn (theo khuyến nghị của bác sĩ), nghỉ ngơi giữa các hoạt động thường xuyên hơn và lập kế hoạch hoạt động của bạn.
– Tránh các sản phẩm thuốc lá và rượu
– Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Trong những lần tái khám, bác sĩ sẽ đảm bảo rằng bạn vẫn khỏe mạnh và bệnh tim của bạn không trở nên tồi tệ hơn.
– Theo dõi tình trạng huyết áp hằng ngày: Ngoài việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên, bạn cần theo dõi huyết áp hằng ngày để kiểm soát tình trạng tăng/giảm huyết áp, phòng tránh các nguy cơ và biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Source: WebMD
