Chuyên gia gợi ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy tim cấp chuẩn
Suy tim cấp ở trẻ em thường có dấu hiệu lâm sàng kín đáo, bệnh dễ tiến triển nhanh gây biến chứng nặng nề. Vì thế điều trị, chăm sóc và theo dõi liên tục là cách tốt nhất để đảm bảo trẻ bị suy tim cấp có sức khỏe tốt nhất. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy tim cấp rất quan trọng, góp phần kiểm soát bệnh và tăng hiệu quả điều trị.
1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ suy tim cấp
Suy tim cấp ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân, nhưng đây là tình trạng nguy hiểm khiến cơ tim giảm chức năng đột ngột dẫn tới giảm cung lượng tim. Triệu chứng bệnh giống như sốc tim, có thể gây tử vong hoặc biến chứng nặng nếu không điều trị, can thiệp y tế kịp thời.
Suy tim cấp là tình trạng nghiêm trọng ở trẻ
Bên cạnh điều trị, kiểm soát bệnh bằng thuốc thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị suy tim ở trẻ thành công. Xây dựng dinh dưỡng cũng cần dựa trên mức độ suy tim cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ. Suy tim cấp mức độ càng nghiêm trọng thì kiểm soát chế độ ăn càng nghiêm ngặt.
Dưới đây là nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim cấp nói chung và trẻ nhỏ bị suy tim cấp nói riêng:
- Ưu tiên thực phẩm giàu năng lượng, dễ tiêu hóa (1kcal/ml) để tránh quá tải dịch, đồng thời cần chia nhỏ các bữa ăn để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa và tim mạch.
- Hạn chế thực phẩm có thể sinh nhiều khí trong dạ dày, khiến túi hơi căng lên đẩy cơ hoành và ảnh hưởng đến hoạt động của tim.
- Hạn chế thực phẩm nhiều chất xơ gây táo bón.
- Hạn chế dịch và nạp quá nhiều muối gây tích dịch, muối cần được kiểm soát chặt chẽ trong chế độ ăn này.
- Chế độ dinh dưỡng cân bằng, ưu tiên trái cây, củ quả và rau tươi để cung cấp thêm Vitamin và chất điện giải.
Chế độ dinh dưỡng tốt giúp kiểm soát tình trạng suy tim ở trẻ
Chế độ hạn chế nước tùy theo mức độ suy tim cấp của trẻ, với cấp độ nhẹ và vừa không phải hạn chế nước song bệnh nhân cũng không nên uống nhiều nước mỗi ngày. Với bệnh nhân suy tim cấp nặng kèm suy tim nặng, kháng lợi tiểu, suy thận nặng, hạ natri máu,… thì chỉ bổ sung lượng nước bằng nước tiểu thải ra hôm trước cùng nước cơ thể sử dụng cho hoạt động sống.
Trẻ em đang độ tuổi phát triển nên việc quản lý chế độ dinh dưỡng sao cho vừa kiểm soát bệnh, vừa đảm bảo sự tăng trưởng thể chất không hề đơn giản. Cha mẹ cần theo dõi cân nặng thường xuyên của trẻ và thay đổi lượng năng lượng cung cấp phù hợp. Trẻ bị suy tim cấp có thể bị thể bị suy nhược và suy dinh dưỡng nếu chế độ ăn uống không tốt.
2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy tim cấp như thế nào?
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy tim cấp cần lưu ý cung cấp và kiểm soát những nhóm thực phẩm sau:
2.1. Muối
Muối sẽ cung cấp lượng Natri chính cho cơ thể, trung bình khi ăn 1 g muối, cơ thể sẽ nạp vào khoảng 400mg Natri. Cần tính toán lượng muối cung cấp phù hợp với tình trạng suy tim cấp ở trẻ, cụ thể:
Suy tim cấp nhẹ (giai đoạn 1 và 2): Nạp vào cơ thể tối đa 2 – 3 g muối mỗi ngày.
Suy tim cấp nặng (suy tim giai đoạn 4 không hồi phục) kèm theo phù phổi cấp, suy tim sung huyết: Nạp vào cơ thể lượng muối nhỏ hơn 1g mỗi ngày.
Trẻ bị suy tim cấp cần hạn chế Natri từ muối
Ngoài muối, nhiều loại thực phẩm và phụ gia thực phẩm khác cũng chứa Natri, vì thế cũng cần lưu ý lượng Natri nạp vào từ đó sử dụng thực phẩm phù hợp trong khẩu phần. Hầu hết thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, tương ớt, bánh, snack, đồ đóng hộp,… đều chứa hàm lượng Natri cao, trẻ bị suy tim cấp không nên sử dụng. Thay vào đó là các thức ăn tươi hoặc thực phẩm không dùng muối chế biến (unsalted) hoặc dùng lượng muối ít (Low-Sodium).
2.2. Nước
Nạp vào cơ thể quá nhiều dịch có thể gây ra tình trạng suy tim sung huyết, vì thế trẻ bị suy tim cấp cũng cần kiểm soát lượng dịch nạp vào cơ thể. Với nước uống hàng ngày, tùy theo mức độ suy tim mà kiểm soát như sau:
Suy tim mức độ vừa và nhẹ: Không quá khắt khe nhưng không nên uống quá nhiều nước mỗi ngày, nạp trung bình từ 1 – 1,2 lít mỗi ngày là phù hợp.
Suy tim mức độ nặng hoặc kèm suy thận nặng, hạ natri máu, kháng thuốc lợi tiểu thì chỉ nạp vào lượng nước cơ thể sử dụng và thải ra.
Ngoài nước uống, cơ thể cũng nạp dịch qua sữa, hoa quả, các loại canh, súp,… Nếu suy tim cấp ở trẻ nặng, cần theo dõi lượng dịch nạp vào và điều chỉnh phù hợp.
2.3. Năng lượng
Nếu ở giai đoạn suy tim sung huyết cấp, viêm cơ tim cấp, suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp,… bệnh nhân chủ yếu được nạp năng lượng qua đường truyền tĩnh mạch cùng với Vitamin và khoáng chất thiết yếu. Khi bệnh đã được kiểm soát sẽ bắt đầu ăn bằng chế độ ít chất béo, thực phẩm lỏng nhẹ dễ tiêu hóa.
Trẻ nên bổ sung năng lượng bằng nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày
Năng lượng nạp vào trong 2 – 3 ngày đầu sau hồi phục là khoảng 500 – 800 kcal mỗi ngày, sau đó tăng dần đến 1.000 – 1.200 kcal/ngày. Năng lượng nạp vào nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, ưu tiên thực phẩm dễ tiêu, mềm, hợp khẩu vị. Nếu xảy ra tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt thì có thể bổ sung thêm qua đường truyền tĩnh mạch.
2.4. Protein
Trẻ bị suy tim cấp có nhu cầu Protein thấp hơn bình thường vì nếu bổ sung nhiều, nó thúc đẩy hoạt động của tim và khiến suy tim trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu suy tim nhẹ, xem xét kiểm soát lượng protein cung cấp từ 0.8 – 1g trên mỗi kg cân nặng/ngày. Trẻ có hiện tượng suy dinh dưỡng, suy kiệt thì tăng lượng protein cung cấp từ 1,2 – 1,5/kg cân nặng/ngày.
Nên bổ sung Protein từ nguồn thực phẩm dễ hấp thu như: sữa, cá, đậu hũ, thịt trắng,…
2.5. Chất béo
Phải đảm bảo cung cấp chất béo nhỏ hơn 25% tổng năng lượng với cholesterol nhỏ hơn 300mg mỗi ngày. Ngoài ra, nhu cầu với omega-3 có trong cá hoặc thực phẩm bổ sung nên đảm bảo khoảng 1,3g mỗi ngày.
2.6. Gluxit
Gluxit sẽ là nguồn cung cấp năng lượng chính và nên tăng hơn ở trẻ bị suy tim cấp, đảm bảo từ 55 – 65% tổng năng lượng nạp vào mỗi ngày, tương ứng với khoảng 5 – 7g/kg cân nặng. Ưu tiên bổ sung Gluxit làm năng lượng nhưng cần hạn chế thực phẩm sinh hơi và ảnh hưởng đến hoạt động của tim như: trứng, đậu đỗ, nước uống có gas,…
Bổ sung Vitamin và khoáng chất giúp kiểm soát suy tim cấp ở trẻ
2.7. Vitamin và khoáng chất
Trẻ bị suy tim cấp có nhu cầu với Vitamin và khoáng chất nhiều hơn để đảm bảo chuyển hóa, giảm tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt kéo dài. Nếu cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng này, tình trạng suy tim sẽ nặng hơn. Nhóm Vitamin cần chú trọng nhất là Vitamin B1, Vitamin C, E bảo vệ và tăng cường hoạt động cơ tim. Cùng với đó là khoáng chất như Kali, Calci, Magie,…
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy tim cấp khá khác biệt so với trẻ thông thường, cha mẹ cần lưu ý và tuân thủ nguyên tắc để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cũng như kiểm soát bệnh tốt hơn.