7 Loại thực phẩm cần tránh khi cho con bú
Chế độ ăn của bà mẹ cho con bú ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sữa mẹ, đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé mới chào đời.
Bà mẹ cho con bú nên kiêng ăn gì?
Một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều loại thực phẩm lành mạnh là điều cần thiết, đặc biệt trong thời kỳ cho con bú, mẹ càng cần chú ý hơn đến chế độ ăn của mình. Các chất mẹ ăn vào hàng ngày sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới cơ thể của mẹ và qua sữa mẹ ảnh hưởng tới đứa trẻ. Do đó, bà mẹ nên tìm hiểu các loại thực phẩm và đồ uống cần hạn chế hoặc tránh khi cho con bú.
1. Tuyệt đối kiêng rượu bia
Các chuyên gia khuyên bạn nên tránh uống rượu trong thời gian cho con bú vì nó cản trở quá trình sản xuất sữa bằng cách thay đổi các hormone cần thiết như oxytocin. Ngoài ra, rượu và các chất kích thích có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ cáu kỉnh và gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài, chẳng hạn như suy giảm phát triển nhận thức.
2. Tránh đồ uống chứa caffeine khi cho con bú
Mẹ cho bú không nên uống cà phê và những món chứa caffein vì có thể ảnh hưởng tới tâm trạng và thần kinh của trẻ.
Caffeine là một chất kích thích tự nhiên thường có trong trà, cà phê và socola. Một số loại nước ngọt, nước tăng lực, đồ uống đóng chai, đồ uống thể thao cũng có thể chứa caffeine.
Bà mẹ cho con bú ăn hoặc uống sản phẩm có chứa caffeine có thể truyền ngay chất kích thích này cho con qua sữa mẹ.
Tiêu thụ một lượng lớn caffeine có thể khiến trẻ tỉnh táo và bồn chồn, khó ngủ dẫn đến cáu gắt và ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
3. Không nên ăn cá chứa nhiều thủy ngân
Trẻ sơ sinh cần một số chất dinh dưỡng, chẳng hạn như protein nạc và DHA (axit docosahexaenoic), để tăng trưởng và phát triển não thích hợp. Cá là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có thể cung cấp protein nạc chất lượng cao và các axit béo omega-3 thiết yếu như DHA và EPA (axit eicosapentaenoic).
Tuy nhiên, một số loài cá, chẳng hạn như cá ngừ mắt to, cá kiếm và cá thu, có hàm lượng thủy ngân cao.
Khi người mẹ ăn các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao liên tục, nó sẽ gây hại cho cả mẹ và con đang bú mẹ. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, thủy ngân có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não và hệ thần kinh của trẻ sơ sinh. Sự phát triển hệ thần kinh bị suy giảm có thể dẫn đến các vấn đề khác, chẳng hạn như suy giảm kỹ năng vận động và chậm phát triển giọng nói.
Một số loại cá biển chứa thủy ngân mẹ cho con bú không nên ăn.
Do đó, các chuyên gia khuyên phụ nữ đang cho con bú nên ăn các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp, chẳng hạn như cá hồi và cá mòi tối đa 2 -3 bữa mỗi tuần.
4. Mẹ cho con bú hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn
Ăn một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều loại thực phẩm tươi, lành mạnh là rất quan trọng. Tuy nhiên, một số bà mẹ chọn thực phẩm chế biến sẵn vì sự tiện lợi của chúng. Thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như khoai tây chiên, bánh rán và các loại đồ ăn đóng hộp thường chứa nhiều natri, chất béo chuyển hóa, đường và các chất bảo quản khác.
Tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn gây nhiều nguy cơ về sức khỏe như béo phì, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và các vấn đề tim mạch. Các thực phẩm này còn có thể làm thay đổi chất lượng sữa mẹ, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ đang bú mẹ.
5. Thận trọng với các loại thảo mộc
Các loại thảo mộc là những loại cây có mùi thơm làm tăng thêm hương vị và mùi thơm cho thực phẩm. Bên cạnh đó, một số loại trong số chúng được biết đến là có tác dụng tăng nguồn sữa và hỗ trợ trị một số vấn đề khi nuôi con bằng sữa mẹ như nứt núm vú.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ thảo mộc, đặc biệt là các chất bổ sung và trà thảo mộc, trong khi cho con bú cần phải thận trọng vì những lý do sau:
Các loại thảo mộc chứa các hợp chất có thể có tác dụng giống như thuốc, đi vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến em bé.
Rất hiếm bằng chứng lâm sàng chứng minh việc sử dụng an toàn và hiệu quả của một số loại thảo mộc cho bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh.
Các sản phẩm thảo mộc có thể chứa kim loại nặng và thuốc trừ sâu do bị ô nhiễm.
Một số loại thảo mộc khác mà mẹ nên tránh do tác dụng chống tiết sữa của chúng là bạc hà, mùi tây, cây xô thơm, hoa nhài và quả mọng. Nếu bạn muốn dùng các loại thảo mộc trong thời kỳ cho con bú, hãy tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ trước.
6. Các loại gia vị có hương vị mạnh ảnh hưởng tới sữa mẹ
Tỏi và ớt là những gia vị cay nóng và nặng mùi, có thể ảnh hưởng tới sữa mẹ.
Tỏi và các loại gia vị, chẳng hạn như ớt, là những thực phẩm có hương vị mạnh có thể xâm nhập vào sữa mẹ và có thể làm thay đổi mùi vị của sữa. Những em bé nhạy cảm với những thay đổi này có thể tỏ ra cáu kỉnh, quấy khóc và không muốn tiếp tục bú mẹ.
Các bà mẹ nên tránh ăn những gia vị đậm đặc vào các món ăn hàng ngày. Cũng nên tránh các loại thực phẩm có thể sinh nhiều khí, chẳng hạn như bắp cải, đậu và bông cải xanh, có thể gây khó chịu đường tiêu hóa ở những trẻ sơ sinh nhạy cảm.
7. Chú ý các thực phẩm dễ gây dị ứng cho em bé
Sữa bò, cá, đậu phộng, trứng, động vật có vỏ, hạt cây, lúa mì và đậu nành là những thực phẩm gây dị ứng phổ biến. Nếu trẻ bị dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào trong số này, bạn nên tránh chúng (và các sản phẩm của chúng) khỏi chế độ ăn khi cho con bú.
Nếu một đứa trẻ nhạy cảm với thức ăn có hương vị hoặc có hơi, chúng có thể biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau: khó chịu ở bụng, buồn nôn, đầy hơi, táo bón… Vì trẻ chưa thể nói được nên sẽ khó để nhận biết các dấu hiệu này. Mẹ hãy theo dõi con sau mỗi bữa ăn có các món này và để ý xem trẻ có tỏ ra cáu gắt, khó chịu, khóc dai dẳng hoặc bỏ bú hay không. Ở những trẻ có cơ địa dị ứng, trẻ có thể có các nốt phát ban trên da, thở khò khè hoặc ho, nghẹt mũi. Thậm chí có những trẻ bị dị ứng nặng có thể đi ngoài kèm phân có máu, khó thở, sốc phản vệ nguy hiểm. Đây là dấu hiệu của phản ứng dị ứng nguy hiểm và hiếm gặp cần can thiệp y tế ngay lập tức.
Nếu bạn nghi ngờ rằng thực phẩm cụ thể trong chế độ ăn uống của bạn đang gây khó chịu cho em bé của bạn, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia tư vấn sau sinh và loại bỏ thực phẩm đó khỏi chế độ ăn uống của bạn ngay.
Cho con bú nên ăn gì để đủ sữa cho con?
Xây dựng một chế độ ăn khoa học là điều quan trọng với bà mẹ cho con bú. Sau sinh, cơ thể mẹ cần cung cấp năng lượng để phục hồi lại lượng máu đã mất trong khi sinh. Bà mẹ cần được ăn uống đủ chất dinh dưỡng với một chế độ ăn khoa học. Nên tăng cường các thực phẩm giàu đạm như thịt gà nạc, thịt nạc, cá hồi, các loại protein từ ngũ cốc nguyên cám. Bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết qua chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi hàng ngày. Để đảm bảo lượng sữa cho con bú, bà mẹ chú ý uống đủ lượng nước, mỗi ngày khoảng 2 lít nước. Có thể uống thêm sữa và các loại nước trái cây để bổ sung dinh dưỡng.
Một điều quan trọng nữa là bà mẹ cần được thoải mái về tinh thần và nghỉ ngơi đầy đủ. Vì ngủ không đủ giấc hoặc lo lắng, căng thẳng sẽ ức chế các hormone duy trì sự tiết sữa dẫn đến mất sữa. Đây cũng là một yếu tố quan trọng giúp mẹ duy trì nguồn sữa dồi dào giúp cho em bé phát triển đầy đủ.